Cùng nhau thức tỉnh để giữ nước

 Ngày 14.3.1988, 64 người lính Việt Nam đã bị quân xâm lược nã súng khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma (Trường Sa). Đã 25 năm qua đi, nhưng nỗi đau này vẫn chưa nguôi, bởi vì từ ngày ấy, một phần xương thịt của Tổ quốc đã rơi vào tay Trung Quốc.


Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt


Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam trong trận chiến không cân sức đó ít ai biết đến bởi nhiều năm qua, sự kiện Trung Quốc xâm lược quần đảo Trường Sa năm 1988 không được nhắc đến, rất nhiều người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ không biết gì về trang sử này. Thậm chí cho đến nay, chưa có nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước  biết thật rõ về trận hải chiến ở Gạc Ma – quần đảo Trường Sa.

Trang sử này đang được lật lại, với các động tác tổ chức lễ kỷ niệm tưởng nhớ những người lính đã hy sinh. Phạm vi lễ kỷ niệm cũng chỉ ở địa phương, không phải là lễ kỷ niệm cấp quốc gia. Hoàng Sa, Trường Sa đâu phải chỉ riêng của Đà Nẵng và Khánh Hòa mà là lãnh thổ, cương vực của nước Việt Nam. Những người lính năm xưa hy sinh trên biển cả đó là biển của Việt Nam, của cha ông nghìn đời để lại. Không ai có quyền lãng quên họ.

Trong khi trên đất liền đang tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm trận hải chiến Trường Sa, tưởng niệm những người lính vệ quốc hy sinh, thì ngoài khơi của biển Đông, Trung Quốc mở các chiến dịch leo thang mới.

Ngày 10.3, ba tàu hải giám cùng trực thăng Hải giám B-7103 đã cùng thực hiện cái gọi là "nhiệm vụ tuần tra" 10 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các hành động ngang ngược này của Trung Quốc cho thấy họ bất chấp các phản ứng của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà họ dựng lên không chỉ là địa bàn hành chính, mà những hoạt động gần đây cho thấy, Trung Quốc đang biến khu vực này làm căn cứ quân sự phục vụ cho mưu đồ độc chiếm biển Đông của họ.

Trên biển là tàu hải giám, là trực thăng, còn trên bờ, mũi giáp công kiên trì của họ là các ấn phẩm văn hóa. Lợi dụng bất kỳ sơ hở nào trong công tác quản lý của ta là họ đưa ngay cái “lưỡi bò” hoặc tuyên truyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Họ quá thâm độc trong khi không ít người lại quá ngây thơ, thậm chí ấu trĩ trước những đòn tấn công này. Chuyện sách học in hình cờ Trung Quốc trong sách của học sinh liên tục được phát hiện vừa qua là một ví dụ. Mới đây, tại gian hàng của Tổng Cục Du lịch Việt Nam tham gia  triển lãm du lịch ở Đức, trưng bày bức ảnh khổ lớn về tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới của Trung Quốc. Đến nước này thì không còn gì để nói nữa.

Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1974, một số đảo của Trường Sa cũng bị Trung Quốc xâm lược. Trung Quốc tiếp tục tìm mọi cách xâm chiếm từng thước núi, tấc sông của Việt Nam. Cho nên, kỷ niệm 25 trận hải chiến Trường Sa không phải chỉ để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, mà cùng nhau tỉnh thức để giữ nước.

Xin đừng quên câu chuyện nàng Mị Châu trong thơ Tố Hữu: “… Trái tim nhầm lẫn đặt trên đầu – Nỏ thần vô ý trao tay giặc – Nên nỗi cơ đồ 

Nguồn: Dân trí

Cái “lưỡi bò” không gặm được nước Nam


 Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, khi có được lòng người, tập hợp được nhân dân thì cái “lưỡi bò” phương Bắc không gặm được dù chỉ một “cọng cỏ” nước Nam.


Cái “lưỡi bò” không gặm được nước Nam
 
Tham vọng thôn tính lãnh thổ của các quốc gia khác bằng cái lưỡi bò mà Trung Quốc tưởng tượng ra được thực hiện bằng nhiều mưu sâu chước độc. Cái lưỡi bò đó trơ tráo trên tấm hộ chiếu, trên bản đồ và các loại ấn phẩm văn hóa do Trung Quốc sản xuất. Cùng với cách tuyên truyền đó, họ còn cho lưỡi bò len lõi vào trong các sản phẩm công nghệ phần mềm hòng đầu độc não trạng người dùng.
 
Nhưng họ quên rằng, người Việt Nam trong và ngoài nước thừa biết các âm mưu thâm độc của họ. Lịch sử mấy ngàn năm của Đại Việt đủ sức để răn dạy mỗi công dân Việt Nam hôm nay biết cách bảo vệ chủ quyền quốc gia trước hiểm họa phương Bắc. Những mưu mô xâm lược dù tinh vi đến mấy, có thể che mờ mắt những ai đó, nhưng không thể qua mặt được nhân dân.
 
Chính vì vậy, cho dù một nhà xuất bản sơ suất phát hành sách dạy học cho trẻ em có in cờ Trung Quốc hay bản đồ có đường lưỡi bò thì người dân cũng vạch ra và vứt sọt rác.
 
Cho dù ngành du lịch  đãng trí giới thiệu tượng Phật của Trung Quốc tại một triển lãm tận bên Đức thì dân Việt vẫn phát hiện ra và  phản đối.
 
Cho dù những tờ lịch và sổ tay đi từ đường Đài Loan sang Đà Nẵng có in hình lưỡi bò thì người dùng cũng biết để xử.
 
Chính vì vậy, nên mới có những thanh niên Việt Nam âm thầm nhiều năm mua tên miền Tây Sa - Nam Sa (Xisha - Nansha) và Tam Sa (Sansha) mà Trung Quốc cho rằng của họ để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên mạng. Khi có kẻ “lạ” đòi mua lại tên miền, bạn Trần Duy Nguyễn (người đã mua những tên miền này) trả lời chắc nịch: “Tên miền này  không phải để bán, tôi giữ nó để bảo vệ chủ quyền đất nước”.
 
Mới đây,  WeChat - ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet của Tập đoàn Tencent (Trung Quốc) đưa bản đồ lưỡi bò hòng lập lờ tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc trên biển Đông. Hậu quả là chỉ trong mấy ngày, WeChat nhận lãnh là bị tụt hạng từ tốp 3 xuống thứ 13 trong nhóm ứng dụng “liên lạc miễn phí hàng đầu”.
 
Chưa hết, theo dự báo nó sẽ còn rớt hạng thê thảm vì bị người dùng Việt tẩy chay. Trên “mặt trận” này, không cần ai lãnh đạo, không cần có chủ trương, từng cá nhân tự nhận thức và quyết tâm bẻ gãy ý đồ xâm lược của ngoại bang.
 
Nhận thức về bảo vệ chủ quyền và tinh thần cảnh giác của người dân rất cao. Và từ bao  đời, bảo vệ đất nước là xương máu và trí tuệ của nhân dân. Bảo vệ chủ quyền quốc gia hôm nay cũng vậy, chỉ bằng sức mạnh và trí tuệ của nhân dân.
 
Đặc biệt đối với giới trẻ, kiến thức, trí tuệ cùng với lòng yêu nước tự nhiên trong mỗi người đã giúp họ luôn luôn cảnh giác để từ đó công khai phản đối và chống lại hành động xâm lược, phi nghĩa và trái pháp luật quốc tế của Trung Quốc. Cái lưỡi bò từ phương Bắc dù bằng rất nhiều cách, cũng không thể thực hiện được dã tâm xâm lược.
 
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, khi có được lòng người, tập hợp được nhân dân thì cái “lưỡi bò” phương Bắc không gặm được dù chỉ một “cọng cỏ” nước Nam.

Nguồn: Dân Trí.