Mỗi hạt cát Trường Sa - Đã trở thành máu thịt






Viết ở Trường Sa



Em đã nhớ Trường Sa
Cả khi mình chưa đến
Giữa sóng, cát không ngờ
Gặp màu hoa muống biến

Ai đặt tên phong ba
Gói sóng cồn biển cả
Ai đặt tên Sơn Ca
Nốt nhạc lòng ấm lạ

Những Đá Thị, Len Đao
Song Tử Tây sóng vỗ
Những đảo nổi, đảo chìm
Hoa bàng vuông đợi nở

Những nhà giàn giữa biển
Neo cả nhịp tim người
Muốn gửi vào muôn gió
Xin từng ngày sóng nguôi

Bão giăng giăng lục địa
Đảo oằn mình khát mưa
Nở âm thầm đáy sóng
Hoa san hô bốn mùa

Ôi nụ cười lính đảo
Trong gian khó vẫn ngời
Ánh mắt hiền như cỏ
Cứ xanh nhìn em thôi

Mỗi hạt cát Trường Sa
Đã trở thành máu thịt
Những tên đảo, tên người
Viết hoa thành Tổ quốc





                               Huệ Triệu

Giọng điệu ngang ngược và lạc lõng!


Nhật báo tiếng Anh China Daily có số lượng phát hành lớn nhất Trung Quốc, ngày 4.5 có bài xã luận với tựa đề “Dẹp các rắc rối trên biển” của tác giả Ruan Zongze - Viện phó Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc.


   
Bài báo lên giọng dọa dẫm các quốc gia thành viên của khối ASEAN và xuyên tạc sự thật về các mối quan hệ của các quốc gia ASEAN trên biển Đông, trong đó có Việt Nam: “ASEAN phải ngăn không cho các thành viên của mình gia tăng rắc rối để đảm bảo mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á luôn được ổn định”.
   
Thật nực cười khi tác giả này cho rằng các quốc gia ASEAN gây rắc rối. Ông ta đã nói điều ngược lại với những gì đang xảy ra trên biển Đông. Không chỉ các nước trong khu vực Đông Nam Á, mà cả thế giới biết rõ ai gây rắc rối và đó chính là Trung Quốc.
  
Bài báo cho rằng có những quốc gia cố tình làm xấu đi mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, đồng thời “muốn thấy” ASEAN đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của khu vực. Tác giả đã quá ngang ngược khi viết rằng: “Một số thành viên ASEAN đã cố tình phá hoại quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc vì lợi ích của họ thông qua việc gây rắc rối tại vùng biển Hoa Nam (biển Đông). Việt Nam và Philippines chiếm đóng các vùng biển và hải đảo của Trung Quốc và đang cố lợi dụng các thế lực ngoại bang để củng cố sự chiếm đoạt phi pháp này”.
  
Xin hỏi, ai chiếm Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam? Ai xây cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam? Ai xua hàng vạn chiếc tàu cá ra ngư trường của Việt Nam? Ai cho tàu hải giám đuổi bắt tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam? Ai bắt trái phép ngư dân Việt Nam, thu ngư cụ, tàu thuyền và đòi tiền chuộc? Ai cắt cáp tàu thăm dò dàu khí Việt Nam trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Ai mời thầu đầu tư khai thác dầu khí ở các lô trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam???
  
Không thể kể hết các rắc rối do Trung Quốc gây ra trên biển Đông đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Nhưng báo chí Trung Quốc luôn nói ngược lại, China Daily cũng như Thời báo Hoàn Cầu luôn nói ngang ngược, bất chấp sự thực và coi thường cộng đồng quốc tế. Chỉ cái lưỡi bò mà Trung Quốc đang vẽ ra cũng đủ để tố cáo cho toàn thế giới biết mọi xung đột hiện nay là do chính tham vọng bá quyền, độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
  
Sự nguy hiểm của các bài báo sai sự thật này chính là ở chỗ, tuy nó không lừa ai được ở bên ngoài, nhưng nó đã làm cho đa số người dân Trung Quốc hiểu không đúng về tình hình biển Đông, lịch sử về chủ quyền của các quốc gia trên các vùng biển và đảo thuộc biển Đông. Những quan điểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hẹp hòi sẽ dẫn đến các xung đột khác và khó có thể lường hết được hậu quả.
  
Nhân dân yêu chuông hòa bình cũng như trí thức hiểu biết của Trung Quốc từng lên tiếng phản đối những hành động mà Bắc Kinh thực hiện trên biển Đông. Tưởng cũng cần lưu ý, các học giả và người dân Trung Quốc phải nhìn nhận rằng, Trung Quốc gây hấn không chỉ với các quốc gia thành viên ASEAN mà còn với nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ... Trung Quốc tự tạo cho mình một hình ảnh xấu, khiến cho cộng đồng quốc tế nghi ngờ và không muốn ủng hộ.

 Đừng nghĩ rằng là nước lớn thì có thể bắt nạt hay “cả vú lấp miệng em” trên mặt trận truyền thống. Thế giới hôm nay không phải là thời mông muội để bất cứ ai cũng có thể lấy mạnh hiếp yếu, nói càn nói quấy.

Lịch sử Việt nam chứng minh cho cả thế giới biết rằng, đất nước này chưa từng thất bại trước bất kỳ sức mạnh nào, càng không hề lùi bước trước ai. Chỉ có điều, giá trị cao cả nhất mà nhân loại đang hướng tới là hòa bình, hợp tác, cùng xây dựng các giá trị nhân văn, hạnh phúc và ấm no cho mọi người bất kể màu da, nước tóc. Chính vì thế, Việt Nam luôn hành động và ứng xử tôn trọng tối đa hai tiếng hòa bình và các giá trị làm nên nó.
  
Những tiếng nói kích động, ngang ngược, bóp méo sự thật như bài báo của China Daily cần phải bị lên án.

Nguồn: Dân trí

Trung Quốc và “giấc mơ lú lẫn”!


Lịch sử nhân loại đã hơn một lần chứng minh, một quốc gia, thậm chí là một phe phái dù có nền quân sự hùng mạnh đến đâu nhưng không có chính nghĩa, bất chấp lẽ phải, dùng cường quyền đe dọa các dân tộc khác đều chuốc lấy thất bại…


 
Thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp gây hấn với các nước láng giềng. Ngày 15/4/2013, một đại đội Trung Quốc, với sự yểm trợ của trực thăng, đã vượt qua lằn ranh gọi là Đường Kiểm soát thực tế (LAC), được thiết lập sau cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962 và được coi như là đường biên giới Ấn-Trung.

Ngày 26/4/2013, Bắc Kinh đã lên án việc Philippines kiện bản đồ đường “lưỡi bò” của Trung Quốc ra trước tòa án của Liên Hiệp Quốc. Báo chí do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát thì thẳng thừng đe dọa chiến tranh với Việt Nam và Philippines.

Ngày 29/4/2013, ba tàu hải giám của Trung Quốc lại xâm nhập khu vực Senkaku/Điếu Ngư - vùng tranh chấp với Nhật Bản.

Cuối tháng 3/2013, lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc đã được triển khai đến bãi ngầm James mà Malaysia cũng giành chủ quyền, chỉ nằm cách bờ biển Malaysia có 80km và nằm cách Hoa lục đến 1.800 km…

Đặc biệt là ngày 30 tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã đưa du khách tới Hoàng Sa của Việt Nam kèm với lời lẽ “đe dọa”  trên tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) rằng nếu chuyến đầu thành công, giới chức Trung Quốc sẽ mở các chuyến thăm mỗi tháng một, hai lần.

Mặc dù trước đó, ngày 12/4, ngay khi kế hoạch du lịch bất hợp pháp này được truyền thông Trung Quốc loan báo, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối.

Trước việc làm sai trái trên của Trung Quốc, ngày 30/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục phản đối với lời lẽ kiên quyết: “Chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông”.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định: “Quần đảo Hoàng Sa là một huyện đảo của TP. Đà Nẵng, một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việc Trung Quốc đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây bất bình đối với chính quyền và nhân dân Đà Nẵng.

Chúng tôi phản đối mạnh mẽ hành động phi pháp trên và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc tổ chức du lịch cũng như các hoạt động khác tại quần đảo Hoàng Sa”.

Có thể nói Trung Quốc ngày càng lộ rõ bản chất tham lam, cố tình gây hấn với các nước láng giềng và coi thường luật pháp quốc tế.

Điều này khiến không chỉ các nước láng giềng mà dư luận thế giới cũng đang lo ngại về điều mà họ gọi là “Giấc mơ Trung Quốc” như trong sách trắng quốc phòng được Bắc Kinh công bố 16/4, trong đó khẳng định vai trò của quân đội là bảo đảm hiện thực hoá “giấc mơ Trung Quốc”.

Tô Hải Long - nhà nghiên cứu ở Viện Đông Nam Á, Đại học Tế Nam viết trên Thời báo Hoàn cầu rằng: Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã tạo lập một giấc mơ vĩ đại cho đất nước, bao gồm bảo vệ an ninh hàng hải và xây dựng Trung Quốc thành cường quốc hàng hải.

Với những lời lẽ trên, phải chăng cái gọi là “giấc mơ Trung Quốc”chả lẽ lại gồm cả việc dùng sức mạnh quân sự để xâm chiếm đất đai, bờ cõi của các nước làng giềng bất chấp luật pháp quốc tế? Phải chăng những hành động leo thang trắng trợn gần đây đã công khai bộc lộ ý đồ này mà không còn là “phép thử” như lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng?

Người Việt Nam ta có câu: “Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng lòi ra”. Mọi ý đồ tham lam, thâm hiểm dù được che giấu đến đâu cuối cùng cũng phải lộ diện.

Và nếu như sự tham lam đã khiến Trung Quốc mờ mắt thì đó là “giấc mơ lú lẫn” của họ bởi dân tộc Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như cộng đồng thế giới không để cho Trung Quốc làm điều đó.

Khi đó, Trung Quốc sẽ cô độc trên lộ trình tìm đến “giấc mơ lú lẫn” của mình.

Lịch sử nhân loại đã hơn một lần chứng minh, một quốc gia, thậm chí là một phe phái gồm một nhóm nước dù có nền quân sự hùng mạnh đến đâu nhưng không có chính nghĩa, bất chấp lẽ phải, dùng cường quyền đe dọa các dân tộc khác thì đều chuốc lấy thất bại, phải không các bạn?


source: Dantri

Hồn dân tộc thắp sáng biển đảo Tổ quốc!


Khởi công hai ngôi chùa tại quần đảo Trường Sa. Khánh thành ngôi trường đầu tiên trên huyện đảo Trường Sa… Và thêm một tin vui nữa, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch đã quyết định công nhận Lễ Khao tề thế lính Hoàng Sa là Di sản văn hóa Quốc gia.


  
Đó là những thông tin làm nức lòng nhân dân cả nước trong những ngày tháng tư lịch sử này.
  
Đó là những thông tin làm nức lòng nhân dân cả nước trong những ngày tháng tư lịch sử này.
Hình thành từ cách đây khoảng 400 năm, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được 13 dòng họ trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức vào ngày 19-3 âm lịch hàng năm. Với hai phần nghi thức lễ và hội, Lễ Khao tề thế lính Hoàng Sa tri ân những hùng binh Hoàng Sa đã anh dũng hi sinh khi phụng mệnh triều đình ra quần đảo này cắm bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Suốt bốn thế kỉ qua, các thế hệ người dân Lý Sơn, Quảng Ngãi đã gìn giữ nghi lễ tâm linh này như một giá trị văn hóa truyền thống của cư dân biển đảo. Không chỉ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, Lễ khao lề thế còn khẳng định truyền thống gìn giữ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.

Đình làng An Vĩnh còn được xem như một thiết chế chính quyền và tín ngưỡng xưa của cư dân đảo Lý Sơn.

Rồi đây, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được quảng bá ra toàn thế giới.

Những ngày này, trên Quần đảo Trường Sa thân yêu còn diễn ra hai sự kiện nữa. Đó là khánh thành ngôi trường đầu tiên ở nơi biên ải của Tổ quốc. Trường Tiểu học Trường Sa được xây dựng trên diện tích trên 200m2 nhưng khá đầy đủ tiện nghi. Cao hai tầng, trường có 6 phòng học từ bậc mầm non đến lớp 5, có thư viện, sân chơi, nhà công vụ cho giáo viên, khu vệ sinh, bể chứa nước ngọt.

Một ngôi trường nhỏ thôi nhưng ý nghĩa thì vô cùng to lớn.

Từ ngôi trường này, các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước không chỉ học hành mà chính các em và các thầy cô giáo là những cột mốc khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam. Nó thể hiện sự trường tồn của người Việt trên mảnh đất này từ xa xưa và mãi muôn đời sau, không gì lay chuyển.

Cũng vào dịp này, ngày 22 và 23/4, hai ngôi chùa mới đã được khởi công xây dựng tại đảo Sơn Ca và Nam Yết thuộc Quần đảo Trường Sa. Các chùa được xây trên khuôn viên rộng 1.000m2, có đủ nhà Tam bảo, Tam quan, Tả Vu, Hữu Vu, bồn cây và nhiều công trình phụ trợ khác. Hai ngôi chùa mới được thiết kế với khung, cột bằng gỗ lim, mái cong và lợp ngói hài.

Rồi đây từ các ngôi chùa này ngày đêm vang lên lời cầu phúc cho quân dân trên đảo, cho linh hồn những người mất trên biển đảo quê hương và cho quốc thái dân an. Đây cũng là ngôi chùa thứ 5 trên quần đảo Trường Sa kiên cường.

Ngày mai đây, Trường Sa không chỉ là những tiền đồn nơi biên ải. Trường Sa sẽ trở thành thành phố với hàng vạn cư dân sinh sống trên pháo đài giữa biển khơi của Tổ quốc.

Những ngày tháng tư này, hồn dân tộc đang thắp sáng biển đảo Tổ quốc!


Nguồn: Dantri

Lãnh thổ quốc gia là tối thượng!




Gần đây, một loạt các cơ quan, doanh nghiệp đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc in ấn và quảng bá sản phẩm vi phạm qui định của Nhà nước Việt Nam.

Quả cầu của VietinBank Ninh Bình không có hình quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Lô gô bản đồ Việt Nam quảng cáo sản phẩm thời trang thương hiệu motviet được bày bán tại siêu thị BigC Thăng Long không có chủ quyền vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sách của NXB Sư phạm, NXB Mỹ thuật…  in cờ Trung Quốc cắm trên cổng trường và ở phần tập đánh vần chữ “cờ”.

Thậm chí, bộ sách "Tiếng Hoa dành cho trẻ em" của Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP.HCM bài học 14, trang số 35 còn in cả hình đường lưỡi bò.

Nghiêm trọng hơn, gian trưng bày triển lãm tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 diễn ra ở Berlin, CHLB Đức còn quảng bá hình ảnh cho nước láng giềng Trung Quốc.

Tất cả những sơ xuất trên đều không thể chấp nhận, đều rất đáng trách bởi nó không chỉ thể hiện sự lơ là, cẩu thả mà còn là biểu hiện ý thức đối với giang sơn đất nước. Nhất là ở giai đoạn hiện nay, khi Trung Quốc đang ngày đêm dùng mọi biện pháp, từ những hành động nhỏ nhất hòng xâm lấn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam chúng ta thì sự tắc trách trên là đáng lên án.

Đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều người, nhiều thế hệ như các sách của những NXB trên.

Tuy không giống như các NXB trên, song trường hợp gian hàng của Tổng cục Du lịch cũng rất đáng lên án. Lý do thứ nhất, đoàn do ông Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, một trong những lãnh đạo cao cấp của Bộ VH-TT&DL làm trưởng đoàn. Thứ hai, sự việc xảy ra trên trường quốc tế, nơi có năm châu bốn biển nhìn vào.

Đây không thể coi là những sơ xuất bình thường nên cần có những biện phám xử lý nghiêm khắc bởi lãnh thổ quốc gia và tinh thần độc lập dân tộc luôn là tối thượng.

Vì vậy, những việc làm tắc trách trên đáng bị lên án.

Theo: Dantri

Vang vọng lời tiên tổ!




Tưởng tượng ra cái gọi là “đường lưỡi bò”. Xua đuổi ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Cắt cáp tàu Bình Minh 2… Và gần đây, ngang ngược và vô nhân đạo, tàu Trung Quốc còn bắn vào tàu cá của ngư dân ta trên vùng biển Hoàng Sa.

Thế nhưng thật tráo trở, họ lại còn bóp méo sự thật qua lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi: "“Phản ứng của cơ quan chức năng của Trung Quốc trước một tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý”.

Không dừng ở đó, ông Hồng Lỗi còn ngạo nghễ lên mặt “dạy dỗ” chúng ta: “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam tiến hành các bước nghiêm túc nhằm cải thiện việc giáo dục và quản lý ngư dân để tránh các hoạt động trái phép như vậy”….

Tuy nhiên, tất cả những hành động ngang ngược của Trung Quốc từ trước đến nay không những không làm nhụt ý chí của nhân dân ta mà ngược lại, càng hun đúc thêm tinh thần yêu nước của dân tộc ta.

Tất cả chúng ta đều cùng chung một tâm nguyện: Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Dù kẻ xâm lược có đông đến đâu, vũ khí có tối tân đến đâu cũng không bao giờ khuất phục được dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng không sợ chiến tranh. Một dân tộc mà mỗi người dân đều sẵn sàng hi sinh tất cả cho công cuộc bảo vệ non sông đất nước. Một dân tộc từ ngàn năm nay luôn luôn phải đương đầu với âm mưu xâm chiếm của ngoại xâm.

Vẫn văng vẳng những câu thơ hào sảng của Lý Thường Kiệt trong bài thơ Thần bất hủ “Nam quốc sơn hà nam đế cư…”. Vẫn còn đây lời Hịch uy nghiêm của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Vẫn còn đây những áng văn bi hùng trong Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi và vẫn văng vẳng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tinh thần yêu nước quật cường: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước...".

Vẫn còn đây lời của Đức vua anh minh Trần Nhân Tông: “… các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau.". Và lời của vua Lê Thánh Tông bảo với triều thần: "Ta phải giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của Vua Thái Tổ để lại”.

Không và ngàn lần không để mất dù chỉ một tấc đất thiêng liêng của tổ tiên. Đất nước không chỉ của một ai, cũng không phải chỉ của ngày hôm nay mà là của báo thế hệ đã đổ bao mồ hôi và xương máu mới có được. Đất nước còn là của con cháu chúng ta mãi mãi về sau.

Bảo toàn lãnh thổ là mệnh lệnh tối thượng mà tổ tiên ta truyền lại.


Cờ Tổ quốc tung bay trên biển Hoàng Sa


   Kính tặng tàu QNg 96382 và ngư dân trên biển đảo quê hương 



Đó là một ngày như mỗi ngày trên quần đảo Hoàng Sa
Nơi cha ông ta đã bao đời làm chủ
Nơi ngư dân ta từ ngàn xưa vẫn thường đánh cá
Nhưng buổi sáng nay, một buổi sáng không bình yên

Khi các anh kéo lên mẻ lưới cuối cùng
Bỗng lũ sài lang ầm ầm kéo tới
Cậy thế đông người, chúng hung hăng xua đuổi
Tàu các anh ra khỏi biển quê hương

Không khuất phục được các anh, chúng xả đạn điên cuồng
Lửa phần phật cháy trên khoang lái
Bùi Văn Phải lao lên, không một giây ngần ngại
Ôm chặt lá cờ Tổ quốc trong tay.

Chỉ một lát sau cờ Tổ quốc lại tung bay
Kiêu hãnh, hiên ngang trên biển trời Tổ quốc
Tàu dẫu cháy nhưng cờ không được cháy
Bởi lá cờ là Tổ quốc thiêng liêng.

Xin cám ơn các anh, những người con trung kiên
Cột mốc sống giữa đại dương hùng vĩ
Không chỉ là ngư dân, các anh là chiến sĩ
Canh giữ biển trời Tổ quốc phía tiền tiêu./

                                                       Bùi Hoàng Tám - Dân Trí.

Bài Thơ gửi lãnh đạo Trung Quốc




Cháu lớn lên bao quanh là biển cả
Sớm bầu bạn với những rặng phi lao
Đàn chim yến tìm nơi cao làm tổ
Những hàng thông tiếng gió thổi rì rào

Bà kể chuyện các binh đoàn lính tế
Đảo Hoàng Sa là đất nước là nhà
Dẫu xa xôi nhưng thật là gần gũi
Là máu thịt của bao đời ông cha.

Cũng bởi tại nghịch cảnh của chiến tranh
Cả dân tộc đứng dậy đuổi xâm lăng
Bọn cơ hội tham lam vào xâm chiếm
Giành Hoàng Sa từ đấy đến bây giờ

Người Việt Nam cháu luôn tự hỏi
Người Trung Hoa đất rộng mênh mông
Đây sa mạc, kia là biển cả
Tranh dành chi đất của cha ông (cháu).

Cháu đọc truyện rất thích gương hào hiệp
Người chính nghĩa lấy nhân từ làm trọng
Chuyện ngày ấy Lưu Biểu nhường Kinh Châu
Nhưng Lưu Bị nhất quyết rằng không nhận.
Hỏi dân tộc Việt Nam sao không giận
Đất của ta, đảo cũng là của ta
Ngàn năm ấy yên bình không giành giật
Giờ tàu bè đánh bắt bị đuổi ra.

Những ngư dân hiền lành ra biển cả
Mang theo mình chỉ mảnh lưới cần câu
Ông biết không, thế mà bọn ác bá
Dùng sức mạnh súng đạn bắn cháy tàu.

Cho cháu hỏi một câu nhé
Nếu ông là người Việt sẽ nghĩ sao
Vốn hòa hữu ghét kẻ cường hào
Chắc ông cười và chẳng nói thành câu..

 Lê Quốc Bảo

Cùng nhau thức tỉnh để giữ nước

 Ngày 14.3.1988, 64 người lính Việt Nam đã bị quân xâm lược nã súng khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma (Trường Sa). Đã 25 năm qua đi, nhưng nỗi đau này vẫn chưa nguôi, bởi vì từ ngày ấy, một phần xương thịt của Tổ quốc đã rơi vào tay Trung Quốc.


Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt


Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam trong trận chiến không cân sức đó ít ai biết đến bởi nhiều năm qua, sự kiện Trung Quốc xâm lược quần đảo Trường Sa năm 1988 không được nhắc đến, rất nhiều người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ không biết gì về trang sử này. Thậm chí cho đến nay, chưa có nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước  biết thật rõ về trận hải chiến ở Gạc Ma – quần đảo Trường Sa.

Trang sử này đang được lật lại, với các động tác tổ chức lễ kỷ niệm tưởng nhớ những người lính đã hy sinh. Phạm vi lễ kỷ niệm cũng chỉ ở địa phương, không phải là lễ kỷ niệm cấp quốc gia. Hoàng Sa, Trường Sa đâu phải chỉ riêng của Đà Nẵng và Khánh Hòa mà là lãnh thổ, cương vực của nước Việt Nam. Những người lính năm xưa hy sinh trên biển cả đó là biển của Việt Nam, của cha ông nghìn đời để lại. Không ai có quyền lãng quên họ.

Trong khi trên đất liền đang tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm trận hải chiến Trường Sa, tưởng niệm những người lính vệ quốc hy sinh, thì ngoài khơi của biển Đông, Trung Quốc mở các chiến dịch leo thang mới.

Ngày 10.3, ba tàu hải giám cùng trực thăng Hải giám B-7103 đã cùng thực hiện cái gọi là "nhiệm vụ tuần tra" 10 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các hành động ngang ngược này của Trung Quốc cho thấy họ bất chấp các phản ứng của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Cái gọi là “thành phố Tam Sa” mà họ dựng lên không chỉ là địa bàn hành chính, mà những hoạt động gần đây cho thấy, Trung Quốc đang biến khu vực này làm căn cứ quân sự phục vụ cho mưu đồ độc chiếm biển Đông của họ.

Trên biển là tàu hải giám, là trực thăng, còn trên bờ, mũi giáp công kiên trì của họ là các ấn phẩm văn hóa. Lợi dụng bất kỳ sơ hở nào trong công tác quản lý của ta là họ đưa ngay cái “lưỡi bò” hoặc tuyên truyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Họ quá thâm độc trong khi không ít người lại quá ngây thơ, thậm chí ấu trĩ trước những đòn tấn công này. Chuyện sách học in hình cờ Trung Quốc trong sách của học sinh liên tục được phát hiện vừa qua là một ví dụ. Mới đây, tại gian hàng của Tổng Cục Du lịch Việt Nam tham gia  triển lãm du lịch ở Đức, trưng bày bức ảnh khổ lớn về tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới của Trung Quốc. Đến nước này thì không còn gì để nói nữa.

Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1974, một số đảo của Trường Sa cũng bị Trung Quốc xâm lược. Trung Quốc tiếp tục tìm mọi cách xâm chiếm từng thước núi, tấc sông của Việt Nam. Cho nên, kỷ niệm 25 trận hải chiến Trường Sa không phải chỉ để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, mà cùng nhau tỉnh thức để giữ nước.

Xin đừng quên câu chuyện nàng Mị Châu trong thơ Tố Hữu: “… Trái tim nhầm lẫn đặt trên đầu – Nỏ thần vô ý trao tay giặc – Nên nỗi cơ đồ 

Nguồn: Dân trí

Cái “lưỡi bò” không gặm được nước Nam


 Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, khi có được lòng người, tập hợp được nhân dân thì cái “lưỡi bò” phương Bắc không gặm được dù chỉ một “cọng cỏ” nước Nam.


Cái “lưỡi bò” không gặm được nước Nam
 
Tham vọng thôn tính lãnh thổ của các quốc gia khác bằng cái lưỡi bò mà Trung Quốc tưởng tượng ra được thực hiện bằng nhiều mưu sâu chước độc. Cái lưỡi bò đó trơ tráo trên tấm hộ chiếu, trên bản đồ và các loại ấn phẩm văn hóa do Trung Quốc sản xuất. Cùng với cách tuyên truyền đó, họ còn cho lưỡi bò len lõi vào trong các sản phẩm công nghệ phần mềm hòng đầu độc não trạng người dùng.
 
Nhưng họ quên rằng, người Việt Nam trong và ngoài nước thừa biết các âm mưu thâm độc của họ. Lịch sử mấy ngàn năm của Đại Việt đủ sức để răn dạy mỗi công dân Việt Nam hôm nay biết cách bảo vệ chủ quyền quốc gia trước hiểm họa phương Bắc. Những mưu mô xâm lược dù tinh vi đến mấy, có thể che mờ mắt những ai đó, nhưng không thể qua mặt được nhân dân.
 
Chính vì vậy, cho dù một nhà xuất bản sơ suất phát hành sách dạy học cho trẻ em có in cờ Trung Quốc hay bản đồ có đường lưỡi bò thì người dân cũng vạch ra và vứt sọt rác.
 
Cho dù ngành du lịch  đãng trí giới thiệu tượng Phật của Trung Quốc tại một triển lãm tận bên Đức thì dân Việt vẫn phát hiện ra và  phản đối.
 
Cho dù những tờ lịch và sổ tay đi từ đường Đài Loan sang Đà Nẵng có in hình lưỡi bò thì người dùng cũng biết để xử.
 
Chính vì vậy, nên mới có những thanh niên Việt Nam âm thầm nhiều năm mua tên miền Tây Sa - Nam Sa (Xisha - Nansha) và Tam Sa (Sansha) mà Trung Quốc cho rằng của họ để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên mạng. Khi có kẻ “lạ” đòi mua lại tên miền, bạn Trần Duy Nguyễn (người đã mua những tên miền này) trả lời chắc nịch: “Tên miền này  không phải để bán, tôi giữ nó để bảo vệ chủ quyền đất nước”.
 
Mới đây,  WeChat - ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí trên Internet của Tập đoàn Tencent (Trung Quốc) đưa bản đồ lưỡi bò hòng lập lờ tuyên truyền chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc trên biển Đông. Hậu quả là chỉ trong mấy ngày, WeChat nhận lãnh là bị tụt hạng từ tốp 3 xuống thứ 13 trong nhóm ứng dụng “liên lạc miễn phí hàng đầu”.
 
Chưa hết, theo dự báo nó sẽ còn rớt hạng thê thảm vì bị người dùng Việt tẩy chay. Trên “mặt trận” này, không cần ai lãnh đạo, không cần có chủ trương, từng cá nhân tự nhận thức và quyết tâm bẻ gãy ý đồ xâm lược của ngoại bang.
 
Nhận thức về bảo vệ chủ quyền và tinh thần cảnh giác của người dân rất cao. Và từ bao  đời, bảo vệ đất nước là xương máu và trí tuệ của nhân dân. Bảo vệ chủ quyền quốc gia hôm nay cũng vậy, chỉ bằng sức mạnh và trí tuệ của nhân dân.
 
Đặc biệt đối với giới trẻ, kiến thức, trí tuệ cùng với lòng yêu nước tự nhiên trong mỗi người đã giúp họ luôn luôn cảnh giác để từ đó công khai phản đối và chống lại hành động xâm lược, phi nghĩa và trái pháp luật quốc tế của Trung Quốc. Cái lưỡi bò từ phương Bắc dù bằng rất nhiều cách, cũng không thể thực hiện được dã tâm xâm lược.
 
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, khi có được lòng người, tập hợp được nhân dân thì cái “lưỡi bò” phương Bắc không gặm được dù chỉ một “cọng cỏ” nước Nam.

Nguồn: Dân Trí.